Một số giải pháp thực hiện chỉ tiêu trong nuôi trồng thủy sản năm 2018
Năm 2018, ngành Thủy sản đề ra chỉ tiêu vể sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4.011 nghìn tấn, tăng 4,6% so với 2017, tỷ trọng nuôi trồng chiếm 53% trong tổng sản lượng thủy sản. Trong đó, sản lượng cá tra đạt 1.292,1 nghìn tấn, tăng 3,3% so với 2017. Sản lượng tôm các loại đạt 789,2 nghìn tấn, tăng 9,0% so với năm 2017, đóng góp tỷ trọng lớn để đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng giá trị sản xuất.
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng cục Thủy sản đã đề ra các biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng đối tượng nuôi:
Đối với sản xuất cá tra: Cần triển khai đồng bộ các biện pháp lâu dài như nâng cao năng suất, sản lượng cá tra gắn với kiểm soát chặt điều kiện cơ sở nuôi, chế biến, xuất khẩu và chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 55/2017/NĐ-CP về quản lý, sản xuất, tiêu thụ cá tra và Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về chất lượng phile cá tra xuất khẩu để giữ uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu. Cải thiện chất lượng giống để nâng cao hiệu quả sản xuất theo Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp. Cân đối kịp thời điều chuyển giống cá tra giống bố mẹ giữa các tỉnh phù hợp với nhu cầu sản xuất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất giống cá tra, thông báo công khai kết quả kiểm tra, kiểm soát trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản. Phát triển dòng sản phẩm mới, giá trị cao theo đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn. Tiếp tục triển khai chương trình kiểm tra, giám sát dịch bệnh đối với giống và cá thương phẩm. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ cá tra, bao gồm cả thị trường nội địa, chuẩn bị các biện pháp đấu tranh ứng phó kịp thời các rào cản kỹ thuật, thương mại.
Đối với sản xuất tôm: Theo dõi chặt diễn biến thời tiết, quan trắc môi trường, kịp thời cảnh báo để hạn chế rủi ro. Các địa phương căn cứ khung lịch mùa vụ nuôi tôm năm 2018 của Tổng cục Thủy sản tại văn bản 3710/TCTS-NTTS ngày 18/12/2017 để chủ động ban hành lịch thời vụ thả giống phù hợp điều kiện thời tiết, thị trường tại địa phương. Kiểm soát chặt việc lưu thông , buôn bán tôm giống trôi nổi, kiểm soát chặt chẽ và khống chế tốt dịch bệnh trên tôm, kiểm soát tốt chất lượng tôm nguyên liệu, ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 (tập trung vào các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, không sử dụng hóa chất, kháng sinh; đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết quản lý tôm giống, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp ương giống lớn để cung cấp cho các hộ nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái, liên kết, cung ứng giống chất lượng tốt cho người nuôi), triển khai đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu, Đề án tôm sinh thái tại Cà Mau...Triển khai đề án khung sản phẩm quốc gia tôm nước lợ. Tổng kết và nhân rộng các mô hình, quy trình nuôi tốt, hiệu quả đã được chứng nhận như nuôi 2 giai đoạn áp dụng Biofloc của Công ty Trúc Anh, nuôi ứng dụng Biofloc của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, nuôi Semi Floc tại Khánh Hòa, các mô hình nuôi kết hợp bền vững. Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ, xử lý tốt các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật.
Đối với tôm sú: Duy trì diện tích nuôi, nâng cao năng suất, sản lượng bằng ứng dụng công nghệ (mô hình, hội thảo, hội nghị giới thiệu kinh nghiệm…). Đẩy mạnh nuôi có chứng nhận (tôm rừng, tôm hữu cơ…) để nâng cao giá trị sản phẩm tôm. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cung ứng giống tôm sú sạch bệnh chất lượng cao của MOANA, quản lý chặt chẽ các chợ giống nhỏ lẻ.
Đối với tôm thẻ chân trắng: Mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng tôm chân trắng nuôi thâm canh, siêu thâm canh để tranh thủ cơ hội thị trường thuận lợi. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu, công bố công khai trên trang Thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh giống tôm. Đồng thời, áp dụng các biện pháp công nghệ để tăng năng suất thông qua các quy trình nuôi tôm công nghệ cao, không sử dụng hóa chất kháng sinh cả ở 3 miền. Hỗ trợ tập đoàn Minh Phú về dự án khu phức hợp công nghệ cao về chuỗi giá trị tôm Kiên Giang, Vũng Tàu để làm đầu tàu dẫn dắt các chuỗi sản xuất. Hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Đối với tôm càng xanh: Khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyên truyền mở rộng diện tích các vùng phù hợp tại đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng suất nuôi. Tổ chức sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm.
Đối với tôm hùm, cá biển: Quản lý chặt chất lượng giống, kiểm dịch giống. Quản lý tốt môi trường trong nuôi tôm hùm, cá biển. Thay đổi chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Cải tiến quy trình nuôi, chuyển dần từ nuôi bằng thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp để hạn chế ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện, trình phê duyệt và tổ chức thực hiệnđề án phát triển nuôi biển.
Đối với cá rô phi: Đảm bảo nhu cầu giống có chất lượng, có biện pháp tăng năng suất, sản lượng, quản lý nuôi an toàn thực phẩm, tăng giá trị sản phẩm.
Đối với rong, tảo biển: mở rộng diện tích trồng có chứng nhận thông qua liên kết doanh nghiệp với hộ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Các đối tượng nuôi khác cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.